Trước đây thường dùng “búa” công nghiệp để đóng cọc nhưng vì gây tiếng ồn và chấn động nên đã bị cấm dùng ở nội thành và các khu vực đông dân cư. Cọc ép cũng là cọc bê tông cốt thép nhưng sử dụng máy ép dạng “con đội” để ép cọc xuống lòng đất nhờ đối trọng là những khối bê tông nặng nên tránh được nhược điểm nói trên.
Ngày nay, công nghệ ép cọc có thể tạo được lực ép lên đến 200 tấn thì sức chịu tải (Qa) của cọc đến hơn 100 tấn. Do đó, các công trình xây dựng nhà khoảng 30 tầng đều có thể dùng cọc ép. Với công trình xây chen hay nhà dân dụng thì nên dùng cọc 20x20cm và chiều dài vừa đủ để Qa đạt 10 – 20 tấn là được. Sử dụng cọc nhỏ vừa đủ như vậy là ta dùng đối trọng nhỏ ép, tránh được việc gây ảnh hưởng cho những công trình lân cận.
Thông tin kỹ thuật cần được biết về cọc
Về chiều dài cọc cũng nên lưu ý là cọc ép không thể xuyên qua lớp cát chặt, đắt sét chặt lẫn laterit dày hơn 2m. Ðã có vài công trình thiết kế cọc dài hơn 20m, đến khi thi công chỉ ép được 5 – 7m rồi phải tìm cách khoan qua lớp đất tốt để đưa cọc xuống theo chủ quan của thiết kế.
Thực chất có thể chọn cọc dài 5 – 7m là đủ. Thời gian chờ cọc “nghỉ” nên chọn hơn 30 ngày kể từ khi ép cho đến khi thử tĩnh (ép chậm để thử lực chịu tải của cọc). Phải thử tĩnh cho đến khi cọc tụt hoặc lún hơn 40cm; không nên tự chọn một lực giới hạn nào rồi chủ quan dừng lại ở lực này dù cọc lún rất ít. Sau khi có kết quả thử tĩnh, ta xác định được sức chịu tải của cọc và chiều dài cọc, từ đó mới làm và ép cọc chính xác, hợp lý.
Khi thi công, tùy vào chiều sâu của đài cọc và chiều sâu chân móng mà quyết định việc ép âm hay không. Ép âm đầu cọc là ép cọc sâu xuống lòng đất cho tới vị trí thiết kế, thường từ 1-2m. Đối với nhà dân thì việc tính toán thiết kế thông thường theo kinh nghiệm nhà 4-5 tầng chiều sâu thiết kế chôn cọc khoảng 10m.
Công Ty TNHH Tư Vấn Thiết Kế – Xây Dựng Kiến An Vinh